16 năm ngày em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời ở Việt Nam

Tham dinh IVFMDCác chuyên gia IVF tại IVFMD (bệnh viện Mỹ Đức) và đoàn cán bộ của Bộ Y tế

 

Ngày 30/4/1998, ba em bé TTTON đầu tiên ở Việt Nam chào đời tại Việt Nam. Đánh dấu sự phát triển của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam. Đến nay (4/2014), cả nước đã có gần 20 trung tâm thực hiện thành công kỷ thuật TTTON và ước tính có khoảng 25.000 trẻ đã ra đời từ kỹ thuât này tại Việt Nam.

Kỹ thuật TTTON được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam vào từ tháng 8/1997. Nhóm ê-kíp đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ do GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đứng đầu đã mất hơn 10 năm để chuẩn bị cho việc thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ giáo sư thỉnh giảng tại Université Nice Sophia Antipolis năm 1995, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và cộng sự đã tích cực chuẩn bị những bước cuối cùng cho việc thực hiện TTTON đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 8/1997, nhóm chuyên gia Pháp gồm 4 người từ Nice, với sự giới thiệu và hỗ trợ của GS. Trần Đình Khiêm, đã đến và ở lại Việt Nam trong 3 tuần để chuyển giao công nghệ TTTON cho nhóm bác sĩ, kỹ thuật viên Việt Nam. Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã bắt đầu từ đây. Hơn 8 tháng sau những trường hợp thực hiện TTTON đầu tiên, các em bé TTTON đầu tiên đã ra đời vào ngày 30/4/1998.

Cho đến tháng 4/2014, chúng ta đã có khoảng 20 trung tâm khắp cả nước đã thực hiện thành công kỹ thuật TTTON. Ước tính trong năm 2013, các bệnh viện cả nước đã thực hiện gần 10.000 trường hợp TTTON và gần 5.000 trường hợp chuyển phôi sau rã đông (tổng cộng gần 15.000 chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản/năm). Với qui mô trên, Việt Nam hiện đang là nước thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Chúng ta đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tỉ lệ thai lâm sàng trung bình trên một chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản hiện nay ở Việt Nam khoảng 30%, một số trung tâm có thể đạt đến 40% hoặc cao hơn. Như vậy, hiện nay, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 4000 trường hợp sinh từ kỹ thuật TTTON với hơn 5000 trẻ sinh ra mỗi năm (tỉ lệ đa thai khoảng 20%). Như vậy, ước tính trong 16 năm qua, ở Việt Nam đã có hơn 25.000 trẻ TTTON ra đời. Với số trẻ ra đời mỗi năm ngày càng tăng, con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước, chúng ta còn thu hút được rất nhiều Việt kiều, người nước ngoài đến điều trị tại Việt Nam. Sự đầu tư phát triển liên tục về kỹ thuật, cải thiện chất lượng các dịch vụ cho người bệnh, chi phí điều trị thấp, hiệu quả cao, là những yếu tố giúp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Các dịch vụ này sẽ tiếp tục giữ được người bệnh có điều kiện ở lại với các cơ sở y tế trong nước và thu hút người bệnh từ các nước khác, đặc biệt là kiều bào ta từ nhiều nước trên thế giới.

Từ một ê-kíp TTTON vài người đầu tiên ở Việt Nam, hiện nay chúng ta có khoảng gần 1000 chuyên viên hoạt động thường xuyên trong lãnh vực này, bao gồm bác sĩ, chuyên viên lab, nghiên cứu viên, nữ hộ sinh, điều dưỡng… đang làm việc, giảng dạy, nghiên cứu tại các bệnh viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, phòng khám chuyên khoa…. Một số chuyên gia hàng đầu đã trở thành những tên tuổi trong khu vực và trên thế giới. Mỗi năm, chúng ta có từ 5-10 hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn liên quan đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong nước. Hỗ trợ sinh sản là một trong những chuyên khoa sâu của ngành Y có nhiều báo cáo tại hội nghị chuyên ngành quốc tế và công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam từng bước được công nhận là một trong những nước có trình độ học thuật mạnh về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Các công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học quốc tế của chúng ta được đồng nghiệp khu vực và thế giới đánh giá cao. Số lượng báo cáo tại các hội nghị khu vực, quốc tế ngày càng tăng. Các chuyên gia Việt Nam thường xuyên được mời báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành uy tín. Việt Nam cũng là một trong những trung tâm đào tạo lớn của khu vực về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Các trung tâm TTTON Việt Nam như: IVFAS (BV An Sinh), IVFMD (BV Mỹ Đức) hiện là những trung tâm IVF tên tuổi, đi đầu về kỹ thuật trong khu vực châu Á, hầu hết các đồng nghiệp trong khu vực đều biết đến.

Sự lớn mạnh liên tục của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản trong những năm qua tại Việt Nam cho thấy, dù phát triển sau các nước và phát triển trong điều kiện khó khăn hơn, chúng ta vẫn có thể đuổi kịp sự phát triển về học thuật và công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các thành tựu này có sự đóng góp của những yếu tố quan trọng về con người, đầu tư và chiến lược phát triển:

– Sự đầu tư nghiêm túc, tâm huyết, lâu dài của nhóm tiên phong trong lãnh vực này
– Khả năng học tập, nghiên cứu tiếp cận công nghệ mới của cán bộ y tế Việt Nam
– Sự đầu tư tích cực và nghiêm túc về thiết bị, cơ sở vật chất và con người của các bệnh viện cả nước
– Hoạt động tích cực của hội nghề nghiệp chuyên ngành để liên kết các nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển
– Sự tham gia hiệu quả, tích cực của khối bệnh viện ngoài công lập vào sự phát triển chung của chuyên ngành
– Nghiên cứu khoa học được quan tâm và đầu tư mạnh ngay từ những năm đầu tiên

Với đà phát triển hiện nay, với nguồn nhân lực tương đối trẻ nhưng nhiều kinh nghiệm về lâm sàng và học thuật, với vị thế hiện có của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản trong và ngoài nước, chúng ta có quyền hy vọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Sự nỗ lực, tinh thần hợp tác của từng con người trong chuyên ngành này; sự hỗ trợ về chính sách của nhà nước về y tế và khoa học; sự phát triển của cả nước nói chung về khoa học, kinh tế sẽ là những động lực quan trọng cho sự phát triển của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản trong tương lai.

-HMT-